Y khoa hổ trợ: Complementary Medicine Ðề tài của đặc san là "Y khoa qua thời đại” nên đọc thấy cái “Lịch sử Y khoa toát yếu” này tôi khoái quá, xin chép lại đây cho quý vị tường.“Tui đang bị đau tai …” năm 2000 trước Chúa giáng sinh: Ðây, gặm cái rể này . 1000 năm sau khi Chúa giáng sinh: Cái rể đó là pháp thuật của tà giáo. Này, hãy cầu kinh Ðức mẹ hằng cứu rỗi đi . 1850 AD: Cầu nguyện là mê tín dị đoan. Ðây, uống cái tễ thuốc sắc này. 1940AD: Tễ thuốc đó chỉ là sơn đông mãi võ, thuốc dán bà lang Trọc. Ðây, uống viên aspirin này. 1985AD: viên thuốc đó vô dụng. Ðây, phải uống trụ sinh này. 2000AD: Trụ sinh đó là chất hóa học phản thiên nhiên. Ðây, nhá cái rể này. (khuyết danh)Giống như thời tiết, chính trị, thời trang tất cả mọi thứ đều thay đổi theo chu kỳ v à những cái gì cực đoan đều sẽ bị thời gian lọc đãi. Những giá trị bất hủ (classic) đúng như định nghĩa đã đứng vững với thử thách thời gian: những tuyệt tác của Mozart, violin của Stradivarius, áo tứ thân hóa thai thành áo dài v.v và v.v. Khoa châm cứu đã tồn tại đến hơn 4000 năm và chắc vẫn còn được sử dụng trong tương lai tuy người ta có thể dùng tia laser hay gì khác để kích thích huyệt thay cho kim chứ tôi chẳng mấy lạc quan cho tương lai của "diệu liệu niệu pháp". "Diệu liệu niệu pháp" mà tốt đến vậy chắc đã không bị cơ thể lọc bỏ.Trong phạm vi cái bài ngắn ngủi này, tôi không có tham vọng duyệt xét và trình bày hết cái hay của thế giới rộng lớn của Y khoa hổ tương (YKHT) mà chỉ hy vọng làm sao để động não quý đồng nghiệp một tý, để quý vị thay đổi cái nhìn về YKHT tốt đẹp hơn, chủ yếu là về sinh tố (vitamins). Tôi sẽ trưng tài liệu trích dẫn hạn chế chỉ để bảo vệ những luận cứ có thể gây choáng. Cũng phải cần xác định tôi vẫn là một bác sĩ Y khoa, xét vấn đề YKHT trên căn bản khoa học. Khi phải phê bình những thất bại và yếu điểm của Y khoa chính thống, tôi chỉ muốn nêu lên những sự thật (đau lòng) để cải hóa. Tôi chủ trương hòa hợp giữa Ðông y và Tây y cũng như tôi dùng cả Macintosh lẫn IBM-PC. Vì vậy mà tôi thích chữ Y khoa hổ tương hơn là Y khoa thay thế/ luân thế (alternative medicine: chữ của dược sĩ Ðàm Giang). Quan trọng hơn thế, chúng ta có quyền hãnh diện rằng vitamin có gốc gác rất chi là khoa học, chính khoa học tìm ra sinh tố cơ mà. Bây giờ đến lúc chúng ta nên sử dụng trở lại cái kho tàng bị bỏ xó bấy lâu. Vấn đề chỉ là nước trong thì ta rửa giải mũ, nước đục thì ta rửa chân, thế thôi. Ðể tránh trở thành khủng long, tất cả chúng ta không sớm thì muộn cũng sẽ phải dính đến YKHT, cho dù chỉ là để biết mà tránh cho thuốc (tây) kỵ với những thứ bệnh nhân đang uống. Thật vậy thống kê cho thấy chỉ mới riêng tại Hoa kỳ, khi có chuyện, bệnh nhân chọn đi gặp những chiropractor, acupuncturist, naturopath v.v và mua những vitamins/ herbal medicines hơn là đi gặp bác sĩ gia đình (BSGÐ: primary physician). Ðây là một đám đông đáng kể, tiêu đến trên 13.7 tỷ theo thống kê năm 1991 và 36 tỷ vào năm 1997, trong đó gồm 27 tỷ phải móc tiền túi trả riêng, gấp mấy lần thương vụ của BSGÐ. Dù muốn dù không cũng phải công nhận một điều, cái nghề BS, cao quý hay không, cũng là một dịch vụ, một thương vụ. Cái thương vụ của BS mà không nuôi nổi BS thì một BS giỏi cũng trở thành vô dụng. Làm BS thật ra cũng chẳng khác một người bán hàng (salesman). Chúng ta chẳng phải thuyết phục bệnh nhân bỏ rượu/ thuốc lá, vận động nhiều hơn, ăn uống ngủ nghê điều độ hơn, uống thuốc điều đặn hơn v.v... hàng ngày đó sao có khác gì một salesman. Bao nhiêu người chịu mua những "sản phẩm" của BS, chịu nghe lời khuyên của BS ? Chúng ta đã thất bại thế nào mà bệnh nhân lại chịu bỏ ra một số tiền gấp mấy lần để nghe và làm theo lời khuyên của những "lang băm" này ? Phương chi Tây phương có câu: "Bạn có thể lừa được dăm người một vài lần chứ không thể lừa được mọi người mãi mãi." Khi định lượng YKHT, tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuy ên bạn đừng trở thành một người nồng nhiệt tiếp thu dễ dãi (uncritical enthusiast) hay một kẻ hoài nghi kém hiểu biết (ignorant cynic). Bởi vì trước khi đòi hỏi YKHT phải chứng minh qua tiêu chuẩn "double blind control study" chúng ta nên xét lại chính mình trước. Báo BMJ số ra tháng mười 1991 đã kết luận: 85% các trị liệu nội khoa và ngoại khoa của bác sĩ đều chưa được chứng nghiệm (85% of medical and surgical procedures are unproven). Hai nữa, những sai lầm của Y khoa chính thống (medical errors) đã trở thành nguyên nhân chính gây tử vong thứ ba ở Mỹ.Thứ nữa từ lúc Y khoa chế ra penicillin, chúng ta mãi bị ám ảnh với khái niệm "viên đạn thần" (the magic bullet) chỉ diệt bệnh mà không làm tổn hại cơ thể. Chúng ta cứ mãi đi tìm một vị thuốc cho mỗi bệnh mà hoàn toàn quên đi cái yếu tố quan trọng nhất: người bệnh và hệ miễn nhiễm (HMN) của họ. Y khoa đã mãi chú tâm vào việc diệt trùng hay diệt nguyên tố tạo nên bệnh nhưng không hề nghĩ đến chuyện bồi bổ cho HMN (immune system) mạnh lên để bệnh nhân tự chữa lấy bệnh. Thực vậy, nhìn vào tất cả mọi bệnh thời nay hầu như tất cả đều bắt nguồn từ sự thoái hóa/ suy vi của cơ thể mà quan trọng nhất là sự suy thoái / lão hóa của hệ miễn nhiễm (HMN), từ AIDS cho đến hầu hết các loại ung thư, osteoarthritis, auto-immune diseases v.v... Từ lâu nay tôi vẫn cứ ngờ rằng các bệnh cảm mạo, cúm v.v... thật sự chẳng phải vì siêu vi trùng mà chỉ là một trạng thái viêm hay là sự rối loạn nhất thời (dysfunctional state) của HMN mà thôi. Ví dụ, dị ứng (hayfever) chỉ là một dạng bệnh nhẹ của sự rối loạn HMN này. Cái gì đã làm cho người bệnh không còn phân biệt được để rồi ra sức tấn công những nguyên tố vô hại như bụi/ phấn hoa như thể vi trùng/ siêu vi. Trạng thái viêm/ sổ mũi/ ho/ đau cổ họng/ mệt mỏi của những trường hợp dị ứng này hoàn toàn chẳng khác gì khi ta bị nhiễm virus. Eczema một bệnh tự nhiễm (auto-immune disease) nhẹ, cơ thể tự tạo kháng thể (antibody) chống da. Qua đến Rheumatoid Arthritis/ SLE/ Ankylosing Spondylitis là những bệnh tự nhiễm nặng hơn nhiều. Nguyên nhân nào đã làm cho những người này bị tự nhiễm trong khi trước đó họ vẫn bình thường. Yếu tố di truyền không đủ để giải thích vì có bao nhiêu người có HLA-DR2/B27 mà không hề bị bệnh và đồng thời rất nhiều người nhuốm bệnh mà chẳng hề có gene HLA-DR2/B27. Suy ra ta thấy, khi chúng ta thức khuya, lao lực quá độ, đi lạnh mắc mưa v.v... về là ngã cảm mạo, ta phải giải thích nguyên do ra sao ? Một là vì vi khuẩn có mặt ở khắp nơi chỉ chực chờ HMN yếu đi để tấn công. Hai là chẳng phải do vi khuẩn gì sốt cả. Đây chẳng qua chỉ là một trạng thái bệnh do HMN bị suy nhược/ rối loạn mà thôi. Trở lại với ám ảnh khái niệm "một bệnh, một thuốc": với vitamins, bạn sẽ thấy rất hiếm khi có những nghiên cứu thành công "một bệnh, một vitamin" bởi vì vitamins cần thời gian lâu hơn và vì vitamin cần các xúc tác tố khác nữa (thường lại những vitamins khác) để cùng làm việc. Ví dụ như chuyện dùng B6/ B12/ folate để giảm homocysteine để ngừa bệnh tim mạch. Chỉ dùng một trong ba sinh tố thì hiệu quả không sao bằng (xin xem lại sách giáo khoa sinh hóa). Phương chi ngay trong thiên nhiên đã có âm và dương. Thuốc cũng cần phải có những vị cùng công phạt/ kiềm hãm hay bồi bổ lẫn nhau để hòa hợp, tránh tình trạng quá trớn chẳng khác hành pháp/ tư pháp, thượng viện/ hạ viện. Xin đan cử một vài thí dụ nho nhỏ: sử dụng oestrogen mà không kèm theo progestogen dễ gây rối loạn nội tiết, cho dù bệnh nhân đã cắt bỏ tử cung, vì hai kích thích tố nữ này vừa hổ trợ vừa kềm hãm nhau. Mg++ và Ca++ cũng tương tự như lửa với nước. Calcium mà thiếu magnesium sẽ bị osteoporosis (và vọp bẻ)/ lửa mà thiếu nước thì không cách gì nấu nên cơm. YKHT (tuy hiếm) cũng đã có những công trình nghiên cứu dùng một vitamin như thuốc: đó là glucosamine sulphate. Gọi glucosamine (một loại glycoprotein tạo nên sụn) là vitamin thì không đúng vì cơ thể tự tạo ra được, nhưng kém nhiều đi khi về già. Tờ Lancet số 357 trong một nghiên cứu với 212 bệnh nhân trong ba năm đã chứng minh rõ ràng là glucosamine hay gấp trăm lần NSAID. Glucosamine đã chận đứng được sự thoái hóa của bệnh (mòn) viêm khớp (osteoarthritis) với ảnh hưởng phụ tương đương với thuốc giả (placebo). Nhìn tổng quát vào bệnh tình thế giới ngày nay thì quả tình Y khoa chính thống đã bất lực trước những căn bệnh trầm kha đòi hỏi những liều thuốc chính trị và kinh tế. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã lên tiếng báo động về bệnh dịch ghê rợn nhất của thế kỷ 21: bệnh phì nộn, với Hoa kỳ đứng đầu bảng. Một bệnh đáng ghê như đậu mùa (smallpox), chẳng ai thích nhiễm thế mà chúng ta cần đến hơn 200 năm để tiêu diệt, thử hỏi với ăn là một trong tứ khoái, sẽ cần đến bao lâu mới chận nổi cái bệnh này ? Nhiễm thể trong người chúng ta đã chẳng thay đổi gì mấy trong mấy ngàn năm qua thế nhưng chỉ riêng ở Úc, tỷ lệ bệnh tiểu đường (NIDDM) đã tăng gấp ba lần trong ba thập niên vừa qua do phì nộn. Nguy hơn nữa là cứ mỗi bệnh nhân đã thẩm định là có bệnh tiểu đường thì có ít nhất một người khác (thường là béo phị) đã nhuốm bệnh nhưng chưa được bác sĩ phát giác ra. Nghĩa là yếu tố môi sinh mới là lý do chính gây ra bệnh còn yếu tố di truyền chẳng có ảnh hưởng gì mấy. Bởi vậy đổ thêm tiền vào phân tích nhiễm thể (the genome project) chẳng phải là giải pháp hợp lý. Cứ nhìn những người dân đảo nam Thái Bình Dương thì sẽ thấy. Bạn đã từng gặp được người Tongan hay Samoan nào thon thả chưa? Một trăm năm trước họ vẫn là những người khỏe mạnh, thân hình cân đối vừa phải. Vị trí địa lý của họ đã tự chọn để chỉ những gene nào thích nghi với đời sống ở đảo mới tồn tại mà thôi. Họ không có đủ đất để canh tác, phải dựa vào biển để sinh sống. Trong mỗi năm phải có ít nhất là ba tháng biển động không ra khơi được, do đó chỉ trông vào khoai mỡ (yam) hay cá phơi khô ăn dè vào những lúc đói. Chỉ những genes dùng năng lượng một cách dè xẻn dễ gây phì nộn mới sống qua được mùa đói. Cái nhiễm thể dè xẻn (thrifty genes) của họ cần được đói ba tháng một năm như thế mới tốt. Thế nhưng khi được người da trắng đến buôn bán, khai phá những mỏ này nọ, đời sống họ sung túc hơn, không còn sợ đói thì chính cái hình ảnh các thổ dân một tay một lon CocaCola tay kia cái hamburger mới làm chết họ. Syndrome X/ Insulin resistance là bệnh họ đều mắc phải ngoại trừ những người còn sống theo truyền thống, lao lực thật nhiều và tránh những bơ sữa, hotdog của Tây phương. Hội chứng X do lờn insulin còn tạo ra những hệ quả (sequelae) khác như hội chứng đa nang noãn sào (polycystic ovarian syndrome) đưa đến hiếm muộn ở đàn bà. Cách chữa: phải hạ vòng eo, phải xuống cân hay phải dùng đến metformin y như trị bệnh tiểu đường. Trong khi đó thì mật độ tinh trùng của đàn ông đã giảm 50% trong năm mươi năm qua, tuy chưa đến độ hiếm muộn. Rachel Carson với cuốn "Silent Spring" và gần đây nhất Theo Colborn trong cuốn "Our Stolen Future" đã lên tiếng báo động về những chất thải công nghiệp PCB/Organophosphate/Dioxin v.v... có tác dụng như kích thích tố nữ, gây rối loạn nội tiết/ giới tính/ khả năng sinh đẻ của rất nhiều loài thú từ chim muông đến cá sấu v.v... Nhất là vì những hóa chất này không dễ phá hủy, tác hại của chúng kéo dài cả trăm năm và có khả năng tích tụ trong gan của mọi loài vật. Thế còn ảnh hưởng trên con người thì sao? Chúng ta giải thích làm sao với đời sống dinh dưỡng thừa mứa ở Tây phương với vấn nạn giảm tinh trùng này? Thành ra cuối cùng chúng ta phải trở về với căn bản, xét vấn đề qua tổng thể chứ chẳng thể sa lầy với công thức một bệnh một thuốc được. Ngừa bệnh hơn chữa bệnh. Trở lại với đơn vị bệnh nhân thì chìa khóa để dẫn đến khỏe mạnh hay bệnh tật vẫn không qua khỏi HMN. Hãy bồi bổ cho cơ thể cho HMN thì chúng ta sẽ ngừa được và trị được bách bệnh. Cơ thể của chúng ta với HMN là một đạo quân thiện chiến, một đoàn công binh xây dựng hay hơn bất cứ một vị thuốc (magic bullet) nào. Quan trọng hơn nữa, với một cơ thể dồi dào sức khỏe sẽ nhạy cảm với thuốc tây gấp mấy lần, thầy thuốc chẳng cần phải dùng đến liều lượng cho trâu cho voi, giảm thiểu phản ứng phụ. Trước khi thả bom B52 thiết tưởng cũng nên đào hầm vững chắc cho quân ta trú đã chứ. Những bệnh nhân của tôi sau khi được cho đầy đủ vitamin đã ung dung chịu đựng những kỳ trị liệu hóa học (chemotherapy) tỉnh bơ như đi chợ. Tương tự những bệnh nhân khác của tôi đã làm không ít bác sĩ giải phẩu ngạc nhiên về tốc độ hồi phục của họ, nhất là nhiều người chẳng cần dùng đến morphine trấn thống sau một đại giải phẩu như thay khớp háng/ đầu gối v.v... Riêng người viết đã từng khổ sở gần hai mươi năm với những trĩ và dị ứng, chích desensitisation immunotherapy gần năm năm chẳng ăn thua gì. Nặng nhất là bị thần kinh tọa (disc herniation/ sciatica L5S1) từ năm 1988 chỉ những muốn tự tử. Ông thầy khuyên chớ bao giờ mổ cột sống, ráng cầm cự với nổi đau chứ mổ thì chưa chắc hết mà sau một thời gian mười đến mười lăm năm có thể phải mổ lại Sau hơn mười năm chịu đựng, giờ đã hoàn toàn bình phục sau ba năm điều trị bằng vitamins. Các bệnh nhân đến than mệt mỏi, kém sức khỏe, xưa tôi chẳng làm gì được khi kết quả khám nghiệm và thử máu hoàn toàn bình thường. Nay tôi đã chứng kiến quá nhiều những hồi phục như phép lạ ở những bệnh nhân này với vitamins nhưng đó lại là một đề tài rộng lớn khác. Có dịp tôi sẽ trở lại trình bày hầu quý đồng nghiệp kinh nghiệm riêng tư về các phương pháp trị liệu căn bệnh mệt mỏi kinh niên, nhức đầu kinh niên này. Tài liệu tham khảo 1. Trends in alternative medicine use in the United States, 1990-1997: results of a follow-up national survey. Eisenberg DM, Davis RB, Ettner SL, Appel S, Wilkey S, Van Rompay M, Kessler RC.: JAMA 1998 Nov 11;280(18):1569-75 2. 85% of medical and surgical procedures are unproven. British Medical Journal [BMJ] October 1991: 3. Doctors Are The Third Leading Cause of Death in the US, Causing 250,000 Deaths Every Year. Dr. Barbara Starfield: Institute of Medicine Report. JAMA Vol 284 July 26, 2000 (see also http://www.mercola.com/2000/jul/30/doctors_death.htm) 4. Long-term effects of glucosamine sulphate on osteoarthritis progression: a randomised, placebo-controlled clinical trial Jean Yves Reginster, Rita Deroisy, Lucio C Rovati, Richard L Lee, Eric Lejeune, Olivier Bruyere, Giampaolo Giacovelli, Yves Henrotin, Jane E Dacre, Christiane Gossett Lancet: Volume 357, Number 9252 27 January 2001. Các tài liệu về vitamins chữa và ngừa bệnh thì quá nhiều kể ra không hết, xin liên lạc thẳng với tác giả qua địa chỉ bnguyen@nsw.bigpond.net.au |